Thực hiện Nghị quyết 130-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, thời điểm này các địa phương trong tỉnh Bắc Giang đang tập trung nguồn lực; xây dựng các mô hình điểm nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Xây dựng mô hình điểm
Năm 2017, huyện Hiệp Hòa đề ra mục tiêu có từ 2-3 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (CNC) quy mô hơn 2 nghìn m2 trở lên. Theo đó, ngoài hỗ trợ của tỉnh, huyện dành kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng/mô hình; xây dựng nhãn hiệu, bao bì, hướng dẫn kỹ thuật, in tem nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cung ứng ra thị trường. Hiện có một mô hình thuộc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đồng Tâm 3, xã Thường Thắng đã làm xong nhà màng rộng hơn 3 nghìn m2 cùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, tổng kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Dịp này, các thành viên HTX đang tập trung xử lý đất, lên luống chuẩn bị vụ sản xuất đầu tiên.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Giám đốc HTX chia sẻ: “Qua nghiên cứu, tìm hiểu thị trường cũng như điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và đặc điểm sinh thái của cây trồng, chúng tôi quyết định trồng dưa lưới. Đây là giống cây còn mới mẻ đối với người dân trong, ngoài tỉnh nhưng với việc đầu tư công nghệ, thiết bị giúp hạn chế tác động bất lợi của thời tiết, được doanh nghiệp (DN) ký kết bao tiêu sản phẩm, tôi tin tưởng sẽ thành công”.
Được biết, để có quỹ đất liền khoảnh làm nhà màng, ông Nguyên cùng một số thành viên HTX phải kiên trì vận động, tuyên truyền 30 hộ trong thôn tự nguyện góp đất tham gia. Đơn cử như hộ ông Nguyễn Văn Chung góp hơn một mẫu ruộng. Theo ông Chung, chân ruộng trước đây chỉ trồng lạc, cấy lúa hiệu quả kinh tế thấp. Khi được cán bộ tuyên truyền, giải thích, tôi mạnh dạn cùng các hộ liên kết sản xuất cây trồng mới để tăng thu nhập.
Ông Ngô Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: “Phương thức tổ chức sản xuất, phân chia lợi nhuận sau hạch toán tại HTX Đồng Tâm đã được thống nhất trong các thành viên. HTX là đơn vị đi đầu huyện về ứng dụng CNC. Hai mô hình còn lại là trồng hoa, nấm chất lượng cao, huyện dự kiến thực hiện tại xã Lương Phong và Quang Minh. Hiện địa phương đã làm việc với một số DN về cơ chế, hợp tác với người dân để sớm triển khai trên thực địa”.
Tương tự, coi ứng dụng CNC là một trong những giải pháp đột phá nâng cao hiệu quả sản xuất nên ngay sau khi Nghị quyết 130 được ban hành, huyện Lạng Giang xây dựng kế hoạch, đề ra các biện pháp khẩn trương thực hiện. Căn cứ điều kiện thực tế địa phương, huyện chọn nấm, rau, hoa, chăn nuôi lợn, thủy sản để ứng dụng CNC. Cùng đó, lập các quầy bán hàng, giới thiệu sản phẩm; đang xây dựng nhà lưới lớn nhất tỉnh tại xã Quang Thịnh với quy mô 1,4 ha. Nhà lưới được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mưa. Một giếng nước đường kính hơn 5m đã được cải tạo cùng hệ thống bể pha chế phân bón, chế phẩm sinh học. Sau khi hoàn thành, diện tích này sẽ sản xuất 30 loại rau ăn lá, củ, quả. Tại huyện Yên Dũng cũng có một số mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC đi vào sản xuất như: Rau VietGAP tại xã Tiến Dũng; sản xuất khoai tây giống tại xã Cảnh Thụy.
Tổ chức sản xuất là HTX
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có 22 mô hình nhà lưới, nhà kính, nhà màng được xây dựng với tổng diện tích hơn 41 nghìn m2 để áp dụng CNC vào sản xuất. Các mô hình này chủ yếu trồng rau, hoa, nấm và sản xuất giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả, trong đó đa số được thực hiện từ khi có Nghị quyết 130. Dù mới ở giai đoạn hoàn thiện cơ sở hạ tầng, một số mô hình đã có các DN đến liên hệ ký kết, đặt hàng. Có mô hình mới đi vào hoạt động và bắt đầu thu được lãi.
Thực tế cho thấy, các địa phương đón nhận Nghị quyết 130 rất tích cực, thể hiện quyết tâm cao. Dù ở giai đoạn khởi động song mỗi nơi đã chủ động có cách làm riêng, bài bản. Phát biểu chỉ đạo sau khi kiểm tra tình hình thực tế tại các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Việt Yên về thực hiện Nghị quyết 130, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái nhấn mạnh, ứng dụng CNC vào nông nghiệp là nội dung mới, vốn đầu tư cao nên đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Vấn đề quan trọng nhất là phải thay đổi được phương thức tổ chức sản xuất.
Các mô hình xây dựng cần thành lập HTX, hình thành chuỗi sản xuất có quy trình sản xuất chung để có sản phẩm đồng đều, tiến tới xây dựng nhãn hiệu, đóng gói bao bì, nhãn mác. Đồng chí chỉ đạo, thời gian tới, Sở Công thương tổ chức làm việc với hệ thống Siêu thị Big C để đưa sản phẩm chủ lực của tỉnh vào siêu thị. Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ người dân kỹ thuật, công nghệ áp dụng trong sản xuất.
Category: Diễn đànTags: bắc giang triển khai nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao