Tại buổi hội thảo “Israel- Nguồn công nghệ cao cho phát triển nông nghiệp Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và phía doanh nghiệp Isarel đã có những chia sẻ về nền nông nghiệp 2 nước và việc áp dụng công nghệ cao vào doanh nghiệp.

Theo số liệu công bố tại buổi hội thảo, lĩnh vực nông nghiệp hiện sử dụng 45% lực lượng lao động Việt Nam, trong đó lực lượng lao động nông thôn chiếm 60-70%. Những năm vừa qua, nên nông nghiệp Việt Nam có sự tăng trưởng khá ổn định.

Tuy nhiên, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh cho biết, nông nghiệp Việt Nam còn có nhiều thách thức, bên cạnh vấn đề biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, lũ lụt thì quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ. Ngoài ra, áp lực từ việc hội nhập sâu sẽ ngày càng đè nặng lên hoạt động xuất khẩu nông sản.

HIện nay, bộ NN&PTNT đang triển khai tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Ông Doanh nhấn mạnh, việc học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng công nghệ cao của Israel sẽ giúp tăng hiệu quả và tạo ra sức bật cho nông nghiệp Việt Nam.

Israel là đất nước có diện tích chỉ khoảng 22.000 km2, nhưng ngành nông nghiệp phát triển ở trình độ cao. Lao động trong nông nghiệp Israel chỉ chiếm 3,7% tổng lực lượng lao động trong nước, nhưng tự sản xuất được 95% nhu cầu thực phẩm.

Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Michael Pascal – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc điều hành một doanh nghiệp của Irasel cho biết, tại Irasel, nguồn tài nguyên nước rất hạn chế vì thế Chính Phủ đã có những chính sách để bảo vệ tài nguyên nước. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp sản xuất nông sản và thủy hải sản, Chính phủ không có chính sách hỗ trợ riêng và các doanh nghiệp này vẫn hoạt động rất tốt mà không cần trợ giúp từ phía chính sách của Chính phủ.

Ông Michael Pascal chia sẻ dù chỉ mới tìm hiểu về nông nghiệp Việt Nam, nhưng ông nhận thấy có nhiều lĩnh vực trong nông nghiệp mà Việt Nam có thể áp dụng công nghệ cao để đạt được những thành tựu cao hơn như chăn nuôi, thủy sản, tưới tiêu… Song song với việc áp dụng công nghệ, Việt Nam cần tập trung tận dụng những nguồn tài nguyên sẵn có như đất đai, khí hậu phù hợp, từng bước nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm, đồng thời xác định mức giá cạnh tranh để có thể nâng cao vị thế xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thủy sản.

Liên quan đến việc áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, ông Michael Pascal cũng cho biết, mỗi công nghệ đều có điểm mạnh và điểm yếu, vì vậy việc sử dụng cần được lựa chọn phù hợp và tuân thủ đúng theo những hướng dẫn quy định vạch ra nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất.

Qua buổi hội thảo, các doanh nghiệp Irasel đã giới thiệu những công nghệ cao áp dụng vào nông nghiệp, giúp tăng cường hiệu quả sản xuất. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Israel đã có những cuộc gặp riêng để giới thiệu công nghệ, sản phẩm tiên tiến của Israel, và tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong tương lai.

Chuyến thăm của Tổng thống Israel và các doanh nghiệp sẽ thắt chặt hơn mối quan hệ Việt Nam – Israel, thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai nước, nhằm phát triển nền nông nghiệp sạch, tiên tiến, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường./.

Category: Diễn đàn

Tags: ,